Đèn pha cốt là hệ thống đèn chiếu sáng quen thuộc, luôn được tích hợp sẵn trên tất cả các loại xe ô tô. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có nhiều người vẫn chưa hiểu hết về các loại đèn cơ bản này. Vì vậy, đừng bỏ lỡ cơ hội cập nhật kiến thức về đèn pha-cốt thông qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung
Giới thiệu về đèn pha cốt
Tất cả các phương tiện giao thông từ trước đến nay luôn được trang bị rất nhiều loại đèn như đèn hậu, xi-nhan, đèn chiếu sáng,…Mỗi loại đèn đều đóng vai trò, chức năng khác nhau nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả cho các phương tiện khi lưu thông trên đường. Đèn pha-cốt cũng là một trong số các loại đèn đó.
Vậy đèn pha cốt là gì?
Đèn pha đèn cốt là hệ thống bao gồm đèn chiếu xa (pha) và đèn chiếu gần (cốt) trên các phương tiện xe cơ giới. Thật chất cụm từ “pha-cốt” được vay mượn với nguyên bản là hai từ “ phare-code” trong tiếng Pháp. Tên gọi của hai loại đèn này có nguồn gốc từ thời chiến tranh ở nước ta.
Đèn chiếu xa ra đời nhằm đảm bảo khả năng quan sát của người lái với đoạn đường xa phía trước. Do đó, từ pha (phare) được lấy trong cụm từ tiếng Pháp “PHARE D’AUTOMOBILE” nghĩa là “đèn chiếu xa ô tô”. Tuy nhiên, việc sử dụng đèn chiếu xa liên tục cũng gây bất lợi khiến phe địch dễ phát hiện ra quân ta.
Chính vì thế, đèn chiếu gần trên xe được đưa vào sử dụng với các tia sáng thấp hơn, vừa đủ để quan sát và nhận diện quân lính phe ta. Do đó, loại đèn này được đặt tên là “đèn code” có mang ý nghĩa tượng hình là “mật mã”.
Công dụng của đèn pha cốt
Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, các loại xe cơ giới khi tham gia lưu thông phải đảm bảo có đủ đèn chiếu xa và đèn chiếu gần. Với yêu cầu bắt buộc như trên, đủ để chúng ta hiểu được tầm quan trọng của loại đèn chiếu sáng này.
Đèn pha (đèn chiếu xa) có cường độ ánh sáng mạnh, phạm vi phủ sáng xa và rộng giúp người điều khiển xe nhận biết chướng ngại vật và các biển bảo từ khoảng cách xa. Ngược lại đèn cốt (đèn chiếu gần) có góc chiếu thấp giúp tài xế quan sát mặt đường và các vật cản phía trước trong phạm vi gần, thích hợp sử dụng khi di chuyển tốc độ chậm trong nội thành và khu dân cư.
Các công nghệ đèn chiếu sáng dùng cho đèn pha và cốt
Nền công nghiệp cơ khí với các bước cải tiến không ngừng cho phép người tiêu dùng ngày càng có thêm nhiều lựa chọn hiện đại hơn. Công nghệ đèn chiếu sáng áp dụng cho đèn pha cốt cũng không ngoại lệ. Với đặc tính chiếu sáng trái ngược nhau giữa đèn pha và cốt, để áp dụng phù hợp chúng ta cần hiểu rõ về các công nghệ đèn chiếu sáng đang thịnh hành hiện nay, bao gồm:
Công nghệ đèn Halogen
Đèn Halogen là công nghệ đèn chiếu được sử dụng nhiều nhất, luôn được tích hợp sẵn trên các loại xe ô tô thuộc dòng phổ thông. Sử dụng nguyên lý của đèn sợi đốt, cấu tạo của bóng đèn Halogen bao gồm một dây tóc làm từ Vonfram, bọc bên ngoài là thủy tinh thạch anh có khả năng chịu nhiệt tốt. Môi trường bên trong bóng đèn được hút hết không khí chỉ còn lại hỗn hợp khí trơ và một lượng nhỏ chất halogen như iot hoặc brom.
Một bóng đèn Halogen chất lượng tốt sẽ có thời gian chiếu sáng trung bình 1000 giờ với công suất 55W. Ưu điểm đầu tiên của công nghệ đèn này là có giá thành rẻ nhất trên thị trường. Do đó khi đèn pha cốt Halogen có hư hỏng thì các tài xế cũng không phải quá lo lắng về chi phí thay thế, sửa chữa. Với sự đa dạng mẫu mã, kích cỡ, đèn halogen chế độ pha cốt phù hợp với nhiều loại xe ô tô khác nhau.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của đèn Halogen chính là sự lãng phí năng lượng. Trong quá trình đốt nóng, năng lượng phần lớn chuyển hóa thành nhiệt năng, chỉ một phần nhỏ còn lại thành quang năng. Hơn nữa, đèn Halogen rất nhạy cảm với độ ẩm trong không khí. Do đó, quá trình bảo dưỡng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ và không nên tự ý tháo lắp nếu không đủ trình độ chuyên môn.
Đèn Xenon
Đèn Xenon ra mắt từ năm 1992 với phiên bản đầu tiên chỉ mới được dùng làm đèn cốt. Mãi đến năm 1997, Xenon mới được nghiên cứu và ứng dụng thành công cho cả đèn pha và đèn cốt. Loại đèn Xenon bao gồm hai chế độ pha và cốt được gọi là đèn bi xenon (viết tắt của cụm từ bifunction xenon). Khác với đèn Halogen, cấu tạo bóng đèn Xenon không có dây tóc mà chỉ có hai bản cực điện đặt trong môi trường khí Xenon.
Tuổi thọ của đèn pha cốt Xenon trung bình đạt khoảng 2000 giờ. Do nguyên lý chiếu sáng không đốt nóng dây đốt nên đèn Xenon giúp các loại xe ô tô tiết kiệm năng lượng hơn rất nhiều so với đèn Halogen. Ánh sáng tỏa ra từ đèn là ánh sáng xanh, cường độ chiếu sáng của đèn bi xenon rất xa và rộng, dễ dàng nhận biết các vật cản khi lái xe vào ban đêm. Do đó đèn pha làm từ công nghệ Xenon rất thích hợp khi sử dụng ở các cung đường vắng và không có sự hỗ trợ ánh sáng từ đèn đường.
Tuy nhiên, với cường độ chiếu sáng mạnh như vậy nên khi di chuyển trong khu vực đông dân cư các tài xế cần chú ý chuyển từ chế độ đèn pha qua đèn cốt để tránh làm chói mắt người đối diện. Một điều hạn chế của công nghệ đèn Xenon là giá thành khá cao do đó hiện nay đèn cốt pha Xenon thường chỉ mới được trang bị trên một số dòng xe ô tô cao cấp.
Đèn Led
Với nhu cầu xã hội ngày càng tăng cao, bên cạnh chức năng chiếu sáng, các loại đèn hiện nay còn được dùng để tăng tính thẩm mỹ cho các loại xe. Đèn Led ra đời như một giải pháp hiệu quả đáp ứng được các nhu cầu đó, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê nâng cấp ngoại hình cho xe của mình.
Đèn led phát sáng thông qua các diode nhỏ khi có dòng điện kích hoạt. Một bộ đèn pha led thường bao gồm nhiều bóng đèn led nhỏ. Do đó chúng rất linh hoạt trong việc thiết kế sao cho phù hợp với cấu tạo và kiểu dáng của mọi loại xe hiện nay.
Điểm hạn chế của đèn pha led là khá nhạy cảm và dễ bị hỏng nếu sử dụng trong môi trường có nhiệt độ cao. Ánh sáng từ bóng đèn led cũng không quá mạnh. Do đó công nghệ Led thường được áp dụng cho đèn hậu, đèn xinhan hơn là dùng cho đèn pha cốt.
Đèn Laser
Cuộc cạnh tranh giữa đèn cốt pha làm từ công nghệ Led và Xenon chưa kết thúc thì trên thị trường lại xuất hiện thêm một đối thủ đáng gờm. Đèn Laser được xem là công nghệ đèn chiếu sáng hiện đại nhất và mới chỉ được ứng dụng trên các dòng xe cao cấp như Audi R8, BMW i8,…Không chỉ có độ sáng mạnh hơn mà khoảng cách chiếu sáng của đèn laser còn được đánh giá là cao gấp hai lần các loại đèn pha thông thường khác.
Theo như giải thích của hãng BMW, mẫu đèn Laser của họ sử dụng ba tia sáng màu xanh đặt phía sau cụm đèn. Các tia laser sau đó tập trung ánh sáng khi đi qua một thấu kính hội tụ có chứa photpho màu vàng. Photpho sẽ có nhiệm vụ kích sáng và cho ra chùm sáng trắng trải rộng hơn.
Với công nghệ hiện đại khắc phục được nhược điểm chiếu sáng của hầu hết các công nghệ đèn khác, nhưng giá thành của đèn pha cốt laser lại thuộc hàng đắt đỏ nhất hiện nay. Bộ rẻ nhất trên thị trường cũng có giá xấp xỉ 1000 USD. Thậm chí bộ đèn pha Laser trên chiếc BMW I8 được định giá lên tới 120 triệu đồng. Do đó, việc độ Laser cho đèn pha cốt của các dòng xe ô tô hiện vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Những lưu ý khi dùng đèn pha cốt
Sử dụng đèn văn minh
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008, không được sử dụng đèn pha cốt tùy tiện khi tham gia lưu thông trên đường và cần đảm bảo an toàn chung cho các phương tiện khác. Với góc chiếu cao và cường độ ánh sáng mạnh, trong một số trường hợp đèn pha có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông do người đối diện bị đèn pha làm cho chói mắt.
Để đảm bảo an toàn, người lái xe cần hiểu rõ công năng chiếu sáng của hai chế độ pha – cốt và sử dụng đèn một cách văn minh. Cụ thể theo quy định hiện hành, từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, người lái xe cần lưu ý chuyển chế độ từ đèn pha sang đèn cốt trong khu đô thị và khu vực đông dân cư.
Định kỳ kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống đèn pha cốt
Cũng như các bộ phận khác, hệ thống đèn chiếu sáng dù sử dụng công nghệ hiện đại tiên tiến đến đâu cũng cần phải được định kỳ kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng.
Sau một thời gian tiếp xúc tia UV và nhiệt độ ngoài trời, mặt kính của đèn bị ô xi hóa, ố vàng hoặc mờ đi. Chưa kể việc đọng sương bên trong đèn pha cốt có thể gây lỗi hệ thống điện, ảnh hưởng đến chất lượng phát sáng của đèn. Do đó, việc kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng sẽ giúp đèn luôn được bền, sáng và an toàn cho người sử dụng.
Không nên tự ý tháo lắp đèn pha cốt
Mặc dù có cấu tạo và nguyên lý hoạt động không quá phức tạp, nhưng người dùng cũng không nên vì vậy mà tự ý tháo lắp đèn pha cốt cho chiếc xe của mình. Để đảm bảo an toàn cũng như chất lượng, việc tháo lắp, thay thế các loại đèn này cần được thực hiện bởi người có tay nghề chuyên môn. Mặt khác, việc tự ý tháo lắp còn dẫn đến việc từ chối bảo hành của một số hãng xe.
Lựa chọn cơ sở cung cấp đèn uy tín chất lượng
Lưu ý đặc biệt quan trọng mà các tài xế có nhu cầu độ đèn pha cốt cho xe hơi cần nhớ chính là phải lựa chọn cơ sở cung cấp đèn uy tín chất lượng. Việc này không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ mà xe bạn còn nhận được thời hạn bảo hành cho đèn nhất định. Một số thương hiệu đèn pha cốt nổi tiếng nhất hiện nay được sử dụng tại các cơ sở cung cấp đèn uy tín là: Hella, Phillips, Osram, Aozoom,…
Nếu bạn đang chưa biết phải tìm kiếm địa chỉ độ đèn xe uy tín ở đâu thì HẬU TRƯƠNG AUTO là một gợi ý hoàn hảo nhất dành cho bạn . HẬU TRƯƠNG AUTO đáp ứng nhu cầu trang bị nội-ngoại thất cho tất cả các dòng xe đang có mặt trên thị trường hiện nay. Không chỉ cung cấp đèn xe từ các thương hiệu nổi tiếng, đây còn là địa chỉ có khả năng làm nên đẳng cấp khác biệt cho xế cưng của bạn.
Ở nước ta, khái niệm đèn pha cốt với một số người vẫn còn khá mơ hồ. Hầu như họ chỉ sử dụng theo thói quen mà không rõ cần áp dụng khi nào. Hy vọng bài chia sẻ trên đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích để sử dụng đèn pha cốt đúng cách và an toàn nhất.