Đi cắm trại cùng người thân bằng ô tô cần chú ý những gì?

Đăng vào:09/07/2020

Nghĩ đến việc cắm trại trong rừng bằng ô tô, nhất định bạn và những người đi cùng đều rất phấn khích với những trải nghiệm thú vị sắp có? Tuy nhiên đó cũng sẽ là một chuyến đi cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo sự tận hưởng và an toàn cho những người tham gia. Dưới đây là những thông tin bạn cần biết trước và mang theo trong chuyến đi.

Lên kế hoạch kỹ càng cho chuyến đi của bạn

Lên kế hoạch cắm trại trong rừng

#1 Chọn một địa điểm cắm trại phù hợp

Tiêu chí để chọn lựa địa điểm là tùy vào sở thích của bạn, nhưng nếu như bạn đi một nhóm đông, hãy lưu ý đến sự an toàn đầu tiên.

Các bạn trẻ thường muốn một chuyến đi có chút thử thách nên thường muốn chọn những nơi cắm trại hoang vu xa xôi, ở sâu trong rừng. Nhưng đừng biến mình thành kẻ liều lĩnh bằng việc tự tìm đường khi chưa hề đến nơi đó lần nào.

Tốt nhất là nên có người từng đi để đi cùng đoàn, hoặc làm quen với một vài người dân địa phương hiểu rõ địa hình và đường đi, hoặc là chọn một nơi đã từng có người cắm trại suôn sẻ ở đó.

#2 Chọn thời điểm để đi cắm trại bằng ô tô

Vì đó là một chuyến cắm trại ngoài trời phụ thuộc vào thời tiết. Bạn nên chọn những tháng mát mẻ và ít mưa để có những trải nghiệm tốt nhất. Vài ngày trước khi khởi hành, bạn vẫn nên nghe ngóng dự báo thờ tiết, nếu như sắp có bão hay là áp thấp, thì nên hoãn lại chuyến đi.

#3 Hãy bắt đầu tìm lộ trình đi thích hợp

Bạn cần vạch rõ xem sẽ đi cùng ai, đi đường nào, đi mất bao lâu, mấy tiếng thì nghỉ một lần, sau đó thông báo kế hoạch cho những người còn lại nắm được.

Điều nên lưu ý khác là phải chọn con đường mà ô tô có thể đi qua được, trên xe cần có thêm một người nữa có thể cùng mình xử lý các sự cố về xe hay đường xá.

#4 Không nên đi cắm trại bằng ô tô một mình, hãy đi khi có đủ người đồng hành

Cuối cùng, đi “phượt” bằng ô tô một mình không phải là ý tưởng hay vì mọi thứ đều có thể xảy ra trên đường. Nếu bạn không thể tìm được bạn đồng hành, hãy đợi đến dịp sau.

Kiểm tra và bảo dưỡng xe

Đi cắm trại với ô tô, đương nhiên chiếc xe của bạn là quan trọng nhất trong chuyến đi, bạn không muốn trước khi đi thì xe có vấn đề, hay trong khi đi thì xe có sự cố đúng không? Việc cần phải làm trước khi đi vài ngày là đem xe đi kiểm tra kỹ càng và bảo dưỡng sao cho đảm bảo chuyến đi không bị gián đoạn.

Kiểm tra và bảo dưỡng ô tô trước chuyến đi

Lưu ý nhất về bánh xe khi đi cắm trại bằng ô tô

Bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng lốp xe, lốp mòn thì nên thay và bơm khí nitơ cho bớt nóng. Đừng quên đem theo ít nhất 2 lốp dự phòng và trên xe cần có người có thể cùng bạn thay lốp giữa đường.

Chú ý nhất đến bánh xe

Phải đảm bảo cả 4 bánh xe của bạn phải thật tốt (còn mới, chưa mòn, không bục hỏng gì ), hãy thắt chặt tất cả các ốc vít và bu lông, luôn có bánh phụ thay thế. Ngoài ra phải kiểm tra các loại đèn trên xe, hãy lắp đặt pin kép nếu bạn đang sử dụng tủ lạnh.

Xăng xe và can dự phòng

Phải đảm bảo xăng xe luôn đầy bằng cách đổ xăng khi đèn hiệu báo hay khi kim xăng chuyển về mức E. Cầm thêm một can xăng để đủ dùng cho đoạn đường trước khi bạn đến được trạm xăng kế tiếp.

Phụ tùng xe dự phòng

Những thứ cần sắm khác như tay kính, đèn pin, bơm điện, kích và bộ phụ tùng cơ bản để sửa chữa xe cũng vô cùng quan trọng. Khi xe xịt lốp thì việc bơm căng lên vẫn có thể giúp xe đi được 10km nữa trước khi đến được nơi sửa xe.

Bạn không bao giờ nên rời khỏi nhà khi không có bộ tời kéo xe để thoát khỏi nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn đi qua vùng đất ngập nước, vùng đất lầy hoặc những địa hình hiểm trở khác. Bộ tời này quan trọng còn hơn cả bánh xe của bạn.

Đừng quên số điện thoại trung tâm sửa chữa xe lưu động

Hãy tìm số điện thoại của các trung tâm có dịch vụ sửa chữa xe lưu động gần những khu vực bạn đi ngang qua để dự phòng những lúc mà bạn không thể xoay sở được. Những cung đường phượt quen thuộc và nhiều người đi qua thường sẽ có những số điện thoại sửa xe ở ven đường, cứ đi 20km thì bạn hãy để ý và lưu lại số điện thoại để phòng khi cần thiết.

Chiếc xe của bạn có thể vẫn luôn chạy tốt, nhưng ai biết được điều gì sẽ xảy ra ở một nơi khác cơ chứ? Vì thế cẩn thận là không bao giờ thừa trên một hành trình dài cùng với những điều thân thương. Việc chuẩn bị này là đảm bảo cho sự an toàn của tài xế và cả những người khác trên xe, nên đừng quên nhé!

Nắm vững một số kỹ thuật lái xe

Nếu không làm chủ được chiếc xe của mình, hãy đừng vội nghĩ đến việc đi phượt xa cùng nó. Bạn phải hiểu được giới hạn chiếc xe của mình, cần nắm rõ khả năng vận hành, mô men xoắn của động cơ cũng như công suất cực đại, khoảng sáng gầm xe cũng như hệ dẫn động.

Nắm vững một số kỹ thuật đi đường rừng

Nếu chiếc xe của bạn không phải là “ông vua địa hình”, thì đừng quá tự tin mà chọn những cung đường quá sức. Hãy hỏi kinh nghiệm từ những tay xế “lão luyện” lái trên đường rừng núi, hoặc tốt nhất là nên có một người giàu kinh nghiệm ngồi trên xe.

Theo chia sẻ của các tài xế có nhiều kinh nghiệm về đi phượt hoặc off-road, họ thường hạ bớt áp suất lốp của xe. Việc này giúp cho phần bên của lốp đàn hồi linh hoạt hơn, tốt hơn cho cả người và xe khi phải liên tục đi qua đường xấu, bánh xe sẽ tăng độ bám với địa hình, dễ dàng đi qua những nơi gồ ghề, nhiều chướng ngại vật.

Theo khuyến cáo, áp suất lốp nên giữ ở khoảng 18 PSI là an toàn.

Sử dụng bộ đàm khi đi theo nhóm nhiều xe

Nếu bạn đi phượt bằng ô tô theo một nhóm từ 2 xe trở lên, tốt nhất nên sử dụng bộ đàm để tránh việc lạc nhau và dễ dàng thống nhất ý kiến một cách nhanh nhất. Chưa kể rằng trên đường đèo hoặc rừng núi có nhiều nơi không có sóng điện thoại, lúc này bộ đàm là thiết bị liên lạc tốt nhất.

Bộ đàm cần nhất khi bạn cần báo cho bạn đồng hành về đường đi bước rẽ, về địa hình khó khăn hay những thay đổi của kế hoạch. Trang bị bộ đàm cũng không hề đắt đỏ, mà còn gọn nhẹ.

Những đồ dùng khác cần chuẩn bị trước chuyến đi

Những đồ cần chuẩn bị trước chuyến đi

Nước uống là không thể thiếu

Bình thường một người cần 2 lít nước mỗi ngày, nếu bạn đến nơi không có nhà dân và không có nơi để mua nước sạch, thì bạn chỉ nên ở lại 1 đến 2 đêm, và hãy dự trữ ít nhất mỗi người 4 lít nước/ngày, bao gồm cả nước để vệ sinh cá nhân. Nếu như bạn có thể tìm được nước uống và nước tắm gội ở nơi cắm trại, thì chỉ cần chuẩn bị nước để đi đường.

Tư trang cá nhân

Những thứ cần thiết khác phải có trong hành lý là quần áo để thay, giày dép dự phòng, kem chống nắng, mũ, thuốc chống côn trùng, thuốc tiêu hóa, thuốc dị ứng. Ngoài ra bạn phải đem theo bộ dụng cụ sơ cứu, một ít thuốc chống viêm, kháng sinh, giấy vệ sinh.

Tủ lạnh di động

Về việc ăn uống, nếu bạn tự túc toàn bộ đồ ăn và điểm đến là nơi hẻo lánh, hãy đem theo một chiếc tủ lạnh di động và để ngay trên xe. Tủ lạnh không chỉ giúp giữ đồ ăn, mà còn cho bạn có nước mát để uống.

Đừng quên Bếp nấu

Bếp nấu là không thể thiếu, bạn hãy mang bếp cồn hoặc than hoa hay than củi tùy theo mong muốn, tuy nhiên tiệc BBQ thì không thể thiếu than hoa và bếp nướng. Hãy đem theo một bình cứu hỏa để tránh sự cố hỏa hoạn. Đem theo bát đũa giấy, cốc giấy là gọn nhẹ nhất cho các bữa ăn giữa rừng.

Đèn pin và tấm cách nhiệt

Đèn pin có thể sử dụng trong nhiều giờ, bạt trải, ô mũ hay áo mưa cũng không thể thiếu. Nếu bạn ngủ bằng lều trại, thì ngoài lều, hãy đem theo nhiều tấm cách nhiệt để trải, tránh việc nhiễm lạnh khi nằm dưới đất.

Tiền mặt và thẻ rút tiền

Tiền bạn có thể đem nhiều hơn để đề phòng, nhưng hãy chia ra thành những khoản nhỏ và để ở những nơi khác nhau. Đừng quên đem theo thẻ rút tiền nữa nhé.

Sạc dự phòng

Sạc pin điện thoại dự phòng và điện thoại dự phòng cũng là những thứ cần thiết phải đem. Chiếc điện thoại hiện nay là vật bất li thân với chúng ta, nhưng nếu chẳng may để mất, thì một chiếc điện thoại khác có thể cứu cánh bạn rất nhiều.

Chuẩn bị một số đồ tự vệ

Phượt bằng ô tô đôi khi an toàn hơn xe máy, vì bản thân chiếc xe đã giống như một “ngôi nhà di động”, nhưng bạn vẫn nên “cẩn tắc vô áy náy”. Trong chuyến đi, hãy đem theo những đồ vật có thể giúp bạn tự vệ trong trường hợp cần thiết như bình xịt hơi cay, gậy điện có thể gây tê tạm thời.

Để đảm bảo tốt nhất cho an toàn, thì các thành viên trong đoàn không nên tách ra quá lâu hay tách thành những nhóm ít người. Khi đang trên đường, đừng lái quá lâu ở những cung đường hẻo lánh khi bạn không thực sự nắm rõ địa hình khu vực đó. Đặc biệt, không nên dừng xe tại những khu vực quá xa khu dân cư, tối tăm.

Trên đây là những kinh nghiệm cắm trại trong rừng bằng ô tô từ những chuyên gia và người có kinh nghiệm. Nếu bạn đã có kế hoạch “vi vu”, hãy liên hệ ngay với HAUTRUONGAUTO để được hỗ trợ về bảo dưỡng xe và chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho xế yêu của bạn.

0/5 (0 Reviews)